Tin tức

An toàn trong sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển Amoniac

Tính chất độc hại của NH3

Độc tính của NH3 tùy thuộc vào nồng độ của chất này. Thông thường, người ta ít khi đặt ra vấn đề về “độ độc” của amoniac đối với động vật và người do trong cơ thể của người và động vật có tồn tại một cơ chế, nhờ đó ngăn cản hiện tượng tích tụ NH3 trong máu. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong máu NH3 chuyển thành cacbamonyl phôt phat do có sự tác động của enzym tổng hợp “carbamoyl phosphate synthetase” và amoniac sẽ đi vào “chu trình urê” của cơ thể để chuyển thành các amino axit hoặc bị thải ra duới dạng nước tiểu. Cá và các loài lưỡng cư không có cơ chế này nhưng có thể thải NH3 dư thừa bằng cách bài tiết trực tiếp.

NH3 hòa tan trong nước khi ở nồng độ cao sẽ gây độc cho các sinh vật thủy sinh, nhưng trong trường hợp này NH3 lại chỉ được phân loại là “chất  gây độc hại môi trường”. 

Dung dịch amoniac loãng trong nước (dùng trong mục đích dân dụng như rủa kính, dùng trong phòng thí nghiệm, v.v…) có khả năng bốc hơi làm kích thích niêm mạc (mắt, mũi). Khi cùng có mặt các sản phẩm chứa clo (thuốc tẩy), hơi amoniac có khả năng tạo ra cloramin độc hại có khả năng gây ung thư.

Dung dịch NH3 nồng độ cao có thể có thể kích thích và gây tổn thương da, niêm mạc, đặc biệt là mắt và hệ thống hô hấp. Tùy theo nồng độ mà tác động độc hại là khác nhau.

Liên hiệp Châu Âu  (EU) đã có quy định phân loại các dung dịch này như sau:

Nồng độ

Khối lượng riêng

Phân loại độc hại

Mức độ

nguy cấp

5–10%

(2.87–5.62 mol/l)

48.9–95.7 g/l

Kích thích (Xi)

R36/37/38

10–25%

(5.62–13.29 mol/l )

95.7–226.3 g/l

Gây ăn mòn (C)

R34

>25%

(>13.29 mol/l)

>226.3 g/l

Gây ăn mòn (C)
và ảnh hưởng đến môi trường (N)

R34, R50

NH3 khan (điển hình là amoniac lỏng) được xếp vào loại hóa chất “độc” (toxic), đó là chưa kể tới những nguy hiểm và sự cố do áp suất cao gây ra, đồng thời chất này cũng là chất có khả năng gây ô nhiễm mạnh môi trường.  

Trong không khí có lẫn hơi NH3, tùy theo nồng độ, mà người và động vật sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Người ta đã phân loại giới hạn nồng độ của NH3 tác động đến sức khỏe con người như sau:

Hiện tượng

Nồng độ, ppm

Phát hiện thấy có mùi

5

Dễ dàng phát hiện mùi

20-50

Gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiếp xúc lâu

50-100

Gây chảy nước mắt kể cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn

150-200

Kích thích mắt, mũi, khó thở kể cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn

400-700

Ho, co thắt cuống phổi

1.700

Nguy hiểm đến tính mạng kể cả tiếp xúc dưới 30 phút

2.000-3.000

Phù, ngẹt thở, ngạt và nhanh chóng tử vong

5.000-10.000

Chết lập tức

Trên 10.000

Tổ chức Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) đã có quy định giới hạn thời gian phơi nhiễm NH3 trong không khí xung quanh tối đa 15 phút đối với NH3 khi nồng độ 35ppm (thể tích); 8 giờ đối với  NH3 khi nồng độ 25ppm. Khi hít phải NH3 nồng độ cao có thể bị tổn thương phổi và chết.  

Tại Việt Nam, nồng độ NH3 cho phép trong không khí xung quanh theo TCVN 5938-2005 là 0,2 mg/m3.

NH3 hiện tại không được xếp vào loại chất có khả năng gây ung thư hoặc thường cũng không được đưa vào danh sách các chất độc.

Tính chất cháy nổ của NH3

Hơi amoniac

Bản thân amoniac không phải là chất dễ bắt lửa và không duy trì sự cháy. Nhiệt độ bốc cháy của NH3 khá cao:  651o C (1204oF) khi có mặt của xúc tác sắt, và 850 o C (1562oF) khi không có chất xúc tác. Hơi amoniac có thể tạo hốn hợp nổ với không khí khi nồng độ amoniac trong hỗn hợp là 16-28%.

Khi cho amoniac tiếp xúc với thủy ngân, các halogen, bạc oxit, hypoclorit có thể tạo ra các hợp chất nổ.

Dung dịch amoniac

Dùng các dung dịch NH3 trong nước an toàn hơn dùng amoniac lỏng do không cháy, không gây nổ. Việc lưu trữ, chuyên chở (bằng đường sắt, đường bộ hoặc đường thủy) các dung dịch này cũng đơn giản hơn so với NH3 lỏng (có thể dùng thùng đựng có nắp bình thường). Tuy nhiên khi chuyên chở vẫn phải tuân theo quy định đối với hóa chất bay hơi và ăn mòn. Khi lưu trữ và chuyên chở dung dịch amoniac có thể nạp tối đa đến 95% dung tích bình chứa.

Thao tác an toàn với NH3 lỏng

Nguyên tắc chung

- Làm việc với amoniac lỏng luôn luôn phải đương đầu với một số nguy cơ là: bị ngộ độc cấp hơi amoniac, bị “bỏng” lạnh và tai nạn nổ khi làm việc với áp suất cao.

- Tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ NH3 cần phải có hệ thống cảnh báo. Và các phương tiện xử lý sự cố, cấp cứu (nước, bình bọt, v.v…).

-  Những người làm việc với NH3 lỏng phải được đào tạo về chuyên môn và về cách xử lý các sự cố liên quan, đồng thời phải được trang bị các thiết bị bảo hộ cần thiết (mặt nạ, kính bảo hộ, găng tay và ủng cao su butyl, quần áo bảo hộ chuyên dụng, v.v…).

- Vì NH3 lỏng có khả năng gây độc, nổ, … nên các bình chứa amoniac dùng khi chuyên chở, bảo quản và sử dụng phải đáp ứng một cách nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, nền chai (hoặc bồn) phải sơn màu vàng, chữ đề phải là màu đen. Làm việc với amoniac lỏng phải tuân thủ đúng các quy định.

Một số quy định cụ thể

1.  Quy định về sử dụng an toàn các thiết bị chịu áp lực

- Đạt các yêu cầu chung về chế tạo, lắp đặt, sửa chữa các bình (thiết bị) áp lực theo TCVN 6153-1996.
- Đạt các yêu cầu về chế độ kiểm định kỹ thuật (lắp đặt, kiểm định kỹ thuật).
- Đạt các yêu cầu về vận hành theo đúng nguyên tắc an toàn.
- Đạt các yêu cầu chung về các dụng cụ kiểm tra, đo lường, cơ cấu an toàn và phụ tùng kèm theo (áp kế, cơ cấu an toàn, các dụng cụ đo, v.v…) và phải tiến hành định kỳ kiểm định các dụng cụ này theo quy định.

2.   Quy định về sử dụng, lưu trữ amoniac lỏng

- Người làm việc cần đeo mặt nạ (hoặc kính đeo mắt và khẩu trang ướt), đi ủng và găng tay cao su butyl để phòng hộ. Khi thao tác cần đứng tại vị trí ngược hướng gió với nguồn NH3.

- Tại nơi làm việc với  NH3 lỏng cần có sẵn nguồn nước dùng khi cần cấp cứu sự cố. Nếu chẳng may amoniac lỏng tiếp xúc vào da hoặc mắt cần được rửa ngay bằng nhiều nước nguội (15 phút) và đưa gấp nạn nhân đến trạm y tế, bệnh viện cứu chữa.

Lượng hơi NH3 trong không khí có thể được loại trừ bằng cách dùng nước phun sương.

- Không làm việc với NH3 lỏng hoặc để bình chứa NH3 lỏng ở khu vực có nhiệt độ cao trên 50oC hoặc gần lửa, không phơi nắng quá lâu các bình chứa NH3.

- Khi làm việc với NH3 cần phải kiểm tra bình chứa, van, vòi dẫn NH3. Nếu phát hiện các bất thường liên quan đến sự nguy hiểm cần ngay lập tức dừng thao tác và tìm các biện pháp xử lý kịp thời.

- Đề phòng trường hợp khi NH3 lỏng bay hơi, thu nhiệt và giữ trạng thái lỏng khá lâu. Trong trường hợp này nếu để da tiếp xúc với NH3 lỏng có thể bị “bỏng“ lạnh rất nguy hiểm.

- Khi dùng amoniac lỏng đóng bình, thì không được dùng đến hết kiệt mà phải dừng sử dụng khi áp suất còn 0,05 MPa (0,5 atm)

- Tuyệt đối không sửa chữa bình chứa khi trong bình đang còn áp suất

- Nghiêm cấm để lẫn bình, bồn chứa NH3 với các bình chứa các chất khác, đặc biệt là  bình chứa khí oxy.

- Quá trình lưu giữ phải có biên bản ghi rõ ngày tháng bắt đầu lưu, thời gian thanh kiểm tra, sửa chữa, đo lường, v.v…

Quy định về chiết nạp amoniac lỏng

- Chuẩn bị bình (bồn) nạp NH3: Do amoniac có thể tạo hỗn hợp nổ với không khí nên vì vậy cần thực hiện đúng các quy định về chuẩn bị bình nạp. Đối với các vỏ bình mới hoặc lâu ngày không sử dụng, cần dùng không khí để sục rửa trước khi dùng. Mở van dưới và bổ sung một lượng nhỏ NH3 vào bình. Khí đẩy ra sẽ được dẫn qua nước và kiểm tra đến khi chắc chắn toàn bộ khí ra là NH3. Áp suất khí NH3 đưa vào bình cho phép đến 0,05 MPa (0,5 atm).

Tại nơi nạp bình phải tuyệt đối cấm lửa, cấm hàn hoặc sửa chữa bình chứa. Mọi việc cho việc nạp bình cần phải được chuẩn bị xong xuôi trước.

- Không được nạp đầy bình (bồn) để đề phòng sự giãn nở khi nhiệt độ tăng. Lượng NH3 nạp vào bình được tính theo công thức:

G= 0,53V.

Trong đó:    V là thể tích bình tính bằng lit;

                   G tính bằng kg.

Một số nước có quy định khá chi tiết về chế tạo, sử dụng bình, bồn chiết nạp NH3 lỏng. Ví dụ tại Hoa Kỳ:

1/ Cơ sở thiết kế và sản xuất bình, bồn chứa phải có chứng chỉ, giấy phép của chính quyền. Từng loại bình, bồn phải có chứng nhận hợp cách.

2/ Đào tạo nhân sự: Người thao tác chiết nạp NH3 phải được đào tạo chuyên nghề và kiểm tra tay nghề.

3/ Khi thao tác chiết nạp phải thật thận trọng, mở van chậm để tránh áp suất thay đổi đột ngột.

4/ Không được nạp đầy bình, bồn và khối lượng NH3 tối đa được nạp là G= 0,53 V.

5/ Kiểm tra đinh kỳ các bình, bồn đựng do cơ quan có thẩm quyền tiến hành 1 hoặc 2 năm một lần. Phải đóng có dấu xác nhận kiểm tra vào vỏ bình, bồn.

6/ Bình, bồn chứa NH3 cần được định kỳ bảo dưỡng để tránh hư hỏng rò rỉ. Các bình, bồn không sử dụng cần phải để nơi khô ráo.

Không dùng bình, bồn đựng amoniac để đựng các chất khác mà không được đánh dấu lại theo đúng quy định.

Quy định về chuyên chở amoniac lỏng

- Xe bồn chở amoniac: Phải đạt yêu cầu tương đương loại phương tiện vận tải trung áp. Vì amoniac là chất có thể gây độc nên các xe bồn trên 440 lít mặc nhiên được xếp loại xe bồn cấp II do hậu quả nghiêm trọng khi xấy ra sự cố nổ.

- Chuyên chở an toàn NH3: Trước khi bốc xếp và chuyên chở NH3, cần kiểm tra bình, bồn, van. Trong quá trình chuyên chở phải đảm bảo bình, bồn không bị lật đổ hoặc xê dịch; van phải đóng chặt và có mũ đạy. Khi bốc và rỡ hàng phải từ tốn, chậm rãi và thận trọng. Không để các bình, bồn bị va chạm mạnh, không lăn các bình.

Khi chuyên chở, nghiêm cấm để lẫn bình, bồn chứa NH3 với các bình chứa các chất khác, đặc biệt bình chứa oxy.

Nếu phát hiện các bất thường liên quan đến sự nguy hiểm cần ngay lập tức dừng chuyên chở và tìm các biện pháp xử lý kịp thời.

- Lái xe chở amoniac cần được đào tại chuyên môn và kiểm tra tay nghề. Khi chở amoniac, người lái xe khi cho xe chạy hoặc dừng, đỗ thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung về an toàn giao thông còn phải tuân thủ các quy định riêng liên quan đến việc chuyên chở hóa chất có thể gây nguy hiểm cháy nổ và độc hại. Các quy định này phải được ghi trên hoặc trong xe.

Xử lý các tình huống khi làm việc với amoniac

- Để phát hiện vị trí rò rỉ amoniac trên đường ống có thể dùng giấy chỉ thị ướt (tẩm phenolphtalein, quỳ).

- Khi phát hiện trong hệ thống có hiện tường rò rỉ khí NH3 cần nhanh chóng khóa ngắt nguồn phát NH3, quạt thông gió và dùng nước phun mưa toàn bộ hệ thống để hòa tan và pha loãng NH3, đồng thời phải nhanh chóng nằm thấp để tránh luồng NH3, bịt mũi bằng khẩu trang ướt và rời khỏi nơi ô nhiễm theo hướng ngược chiều gió, sau đó lái quạt gió hướng vào bình chứa NH3.

- Trong trường hợp sự cố van bình bị hỏng và có một lượng lớn NH3 lỏng bị thoát ra, có thể dùng đất, cát để ngăn hoặc đào hố chứa NH3 lỏng để giảm khả năng NH3 lỏng tràn rộng, hạn chế sự bốc hơi NH3. Có thể dùng bọt bình bọt cứu hỏa hoặc tấm nhựa để che lên bề mặt NH3 lỏng. Nếu không có đất, cát hoặc không đào được hố chứa NH3 lỏng thì có thể tìm cách quay thùng chứa NH3 lỏng sao cho van ở vị trí cao nhất nhằm hạn chế tốc độ NH3 thoát ra. (1 lít NH3 thể lỏng thoát ra sẽ tương đương với 1000 lit NH3 thể khí).

Chú ý: Các thao tác này đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và tránh để cơ thể tiếp xúc với amoniac lỏng. Tuyệt đối không được phun nước trực tiếp và amoniac lỏng vì như vậy sẽ làm amoniac lỏng bay hơi nhanh hơn, làm tăng nhanh nồng độ amoniac trong không khí.

Một số yêu cầu sơ cứu tai nạn do amoniac gây ra:

Sơ cứu khi hít phải NH3

Chuyển nạn nhân khỏi khu vực bị ô nhiễm (trong khi phải chú ý bảo vệ cho mình), hô hấp nhân tạo hoặc nếu có điều kiện thì cho thở oxy. Giữ nạn nhân nằm ấm và yên tĩnh. Lưu ý các vết thương ở phổi có thể còn tiến triển sau 18-24 giờ. Nếu nạn nhân bị ngất cần xoa bóp lồng ngực và nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Sơ cứu các tại nạn ở mắt do tiếp xúc với NH3

Chuyển nạn nhân khỏi nguồn ô nhiễm và nhanh chóng rửa mắt bằng nước sạch hoặc vòi sen. Nhanh chóng nhưng nhẹ nhàng lau sạch các vết hóa chất. Tiếp tục rửa mắt (có thể cả 2 mắt) bằng dòng nước chảy nhẹ 15 phút hoặc lâu hơn và đưa đẩy tròng mắt về các phía cho sạch. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Sơ cứu  các tai nạn do da tiếp xúc với NH3

Dùng nước để xử lý quần áo, găng tay, ủng dính amoniac. Không chà xát hoặc dùng thuốc mỡ bôi lên vết thương trên da.

Chuyển nạn nhân khỏi vùng bị ô nhiễm và nhanh chóng tắm rửa nạn nhân bằng nước sạch hoặc vòi sen (chú ý bảo vệ mắt). Rửa khoảng 1 giờ hoặc hơn. Sau đó cần đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Sơ cứu khi uống hoặc nuốt phải NH3

Nới lỏng cà vạt, khăn, cổ áo nạn nhân và cho nạn nhân súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh và nhổ đi. Tiếp tục cho nạn nhân uống 1-2 chén sữa. Không gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dầu với mục đích trung hòa axit, không cho nạn nhân uống natri cacbonat hoặc các loại nước giải khát có ga. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó cần đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Các vấn đề liên quan khác

Vấn đề đào tạo người lao động

- Vấn đề đào tạo nghiệp vụ cho người lao động làm việc với NH3 là trách nhiệm của nhà quản lý.

- Nhân viên mới, cũ đều có quyền được đào tạo và đào tạo lại theo định kỳ để duy trì tính chuyên nghiệp.

- Chương trình đào tạo bao gồm cả tài liệu viết và giảng giải được thực hiện dưới dạng các mục huấn luyện kỹ thuật chuyên môn, đặc tính thiết bị, v.v…

- Tạo cho người lao động có tính kỷ luật cao trong lao động và tuân thủ các nguyên tắc, nội quy làm việc để tránh tai nạn, thương tích hoặc bị ngộ độc.

Các biện pháp phòng ngừa, sự cố, ô nhiễm

Mỗi cơ sở sản xuất có đặc thù riêng nên cần có các biện pháp phòng ngừa các sự cố liên quan đến amoniac, bao gồm:

- Các chương trình phòng hộ, ứng cứu (tập huấn và đào tạo kỹ thuật xử lý sự cố, sơ cứu, cấp cứu, v.v…);

- Hệ thống thiết bị phòng hộ (hệ thống quạt thông gió, hệ thồng phun mưa và làm sạch không khí, hệ thống cảnh báo ô nhiễm);

- Trang thiết bị bảo hộ lao động.                                               .

- Huấn luyện về cách lập báo cáo sự cố.

Giám sát, báo cáo  

- Mọi sự cố, tai nạn liên quan đến chiết nạp, sử dụng, chuyên chở NH3 cần phải được báo cáo ngay với cảnh sát hoặc cơ quan có thẩm quyền.

CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU HÓA CHẤT TOÀN THẮNG

Địa Chỉ: 137/15 Đường 59, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh

Điện Thoại: 028 22467474 - 028 22457474

Web: www.cungcaphoachat.com

Email: toanthang@cungcaphoachat.com