Tin tức

Tình trạng giá phân bón đang thao túng thị trường

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng với hình thức lấy giá sản phẩm của thế giới để tính vào giá sản phẩm tại Việt Nam. Dẫn đến tình trạng giá cả tăng lên gây ảnh hưởng không nhỏ đến với lợi ích của người dân.

Theo bà Lê Thị Phi Vân - Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) mặc dù các quy định tại Nghị định số170/2003/NĐ-CP và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, phân bón nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Quy định hình thức và không hiệu quả

Theo đó các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải thực hiện đăng ký giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, thực tế hầu như không có DN nào áp dụng đăng ký giá hay kê khai giá, mà thường xuyên điều chỉnh giá, thường từ 10 - 15 ngày/lần bất kể có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Ví như, từ đầu năm 2007 đến tháng 9/2008 giá phân bón các loại tăng liên tục, chưa từng có trong 35 năm gần nhất, trung bình từ 250-300%, thậm chí loại phân bón SA tăng tới 1.000%. Phân đạm urê Hà Bắc (một trong những mặt hàng tăng giá ít nhất) trong 9 tháng đầu năm 2008 cũng thay đổi giá tới 8 lần, urê Phú Mỹ tới 11 lần. Tỷ lệ tăng các loại phân bón trong nước cũng tới mức 151% (phân NPK 16.16.8) hoặc 117% với phân lân.

Thậm chí, ở những thời điểm giá phân bón ít biến động, việc công khai niêm yết giá và áp dụng chính sách một giá cũng không mang lại hiệu quả có lợi cho người nông dân.

Chẳng hạn, thời điểm tháng 7/2008, giá đạm Phú Mỹ giao đến đại lý là 8.600 đồng/kg. Đại lý cộng thêm chi phí vận chuyển và hoa hồng cứ 1 kg phân đạm đến tay người dân dao động từ khoảng 9.000-9.500 đồng/kg (tùy theo vùng, miền). Nhưng khi Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) áp dụng chính sách một giá (DN chịu chi phí vận chuyển) giá bán đến đại lý cuối cùng cũng ở mức 9.500 đồng/kg.

Tính ra người nông dân không được lợi gì hoặc có thể còn phải mua phân bón với giá đắt hơn chứ không phải là rẻ hơn giá thị trường từ 10-15% như PVFCCo từng công bố.

Ngược lại, trong những thời điểm giá phân bón có nhiều biến động thì hầu hết các đại lý đều chỉ được công ty phân phối hàng một cách nhỏ giọt.

Ví dụ từ 16/12/2010 đến 31/12/2010 giá trần đạm Phú Mỹ được quy định niêm yết tại các cửa hàng bán lẻ là 7.400 đồng/kg (đã có VAT) nhưng giá bán sang tay ngay tại cổng nhà máy đã là 7.800 đồng/kg, giá ngoài thị trường là 8.500-9.000 đồng/kg. Vì thế nông dân không có cách nào mua được đạm với giá niêm yết, điều này tạo ra cơ chế “xin - cho” và điều kiện cho tham nhũng.

Các “ông lớn” độc quyền

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân bón biến động bất thường là do hệ thống phân phối vẫn phát triển tự phát, với mô hình nhiều tầng nấc bao gồm hệ thống phân phối của nhà sản xuất, hệ thống phân phối của nhà tiêu thụ kinh doanh từ đại lý cấp 1 đến đại lý cấp 2, 3 và vô vàn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ ở nông thôn.

Tuy nhiên theo ông Lê Đức Thịnh - chuyên gia ngành phân bón của IPSARD thì việc đổ lỗi cho mạng lưới phân phối là chưa thoả đáng. Kết quả khảo sát của một nhóm các chuyên gia ngành này của IPSARD cho thấy vai trò quyết định giá cả phân bón ở Việt Nam nằm trong tay các nhà sản xuất lớn chứ không phải các nhà phân phối.

“Các nhà phân phối cấp 1, cấp 2 chỉ có thể canh chừng động thái của các nhà sản xuất để găm hàng hưởng chênh lệch giá cho lô hàng mới chốt mà thôi, còn giá cả lên xuống bao nhiêu là do các nhà sản xuất đưa ra dựa trên biến động giá của thị trường thế giới”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, về lý thuyết việc định giá một hàng hóa phải dựa trên các yếu tố cấu thành của nó. Tuy nhiên, trên thực tế các DN sản xuất phân bón trong nước hiện nay lại không căn cứ vào giá thành mà lấy “giá thế giới” để điều chỉnh tăng giảm. Chẳng hạn, giá phân đạm urê nhập khẩu từ Trung Quốc được dùng làm tham chiếu để đưa ra giá bán đạm urê sản xuất trong nước.

Điều này cực kỳ phi lý vì khi nhập khẩu về tới Việt Nam giá đạm urê của Trung Quốc đã được đội lên rất cao do phải chịu mức thuế đôi khi lên đến 185% (thời điểm tháng 9/2008), chưa kể việc nhập khẩu phân bón còn phải chịu cước phí vận chuyển từ 95-105 USD/tấn và các chi phí khác như bảo hiểm, hải quan, tỷ giá nội tệ… Chính vì thế vào thời điểm năm 2010, trong khi nông dân Trung Quốc, Indonesia chỉ phải trả 4.000-5.000 đồng/kg phân đạm urê thì nông dân Việt Nam phải trả tới 8.000-9.000 đồng/kg.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bà Trương Hồng Kim (một chuyên gia ngành phân bón khác, cũng thuộc IPSARD) cho rằng, việc các nhà sản xuất trong nước viện lý do “đầu vào tăng mạnh” để tăng giá phân bón là thiếu thuyết phục. Vì hiện nay do đặc thù gắn với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo nên phân bón được Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu đầu vào quan trọng.

Tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy thời điểm năm 2011 do những ưu đãi về giá mua nguyên liệu (than, điện, khí) nên giá vốn sản xuất phân đạm urê trong nước bằng khí chỉ khoảng 4.348 đồng/kg, đạm sản xuất bằng than cũng chỉ ở mức 7.860 đồng/kg (chưa thuế).

Hai mức giá này lần lượt thấp hơn giá nhập khẩu các loại phân bón tương ứng là 57% và 23,5%. Trong khi đó giá đạm urê Phú Mỹ bán lẻ trung bình năm 2011 lên tới 10.035 đồng/kg còn các loại urê nhập khẩu thì chỉ có mức giá trung bình là 9.665 đồng/kg.

Như vậy việc đổ vấy cho nguyên liệu đầu vào tăng cao để tăng giá phân bón vô tội vạ là khó có thể chấp nhận. Giá khí đốt (chiếm 73% tổng chi phí sản xuất) của đạm Phú Mỹ trong suốt năm 2011 chỉ tăng 33%, trong khi đó giá bán phân đạm urê ngay tại cổng nhà máy tăng tới 106% thì không thể nói đơn giản là do nguyên liệu đầu vào.

Theo Thời báo ngân hàng

CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU DỊCH VỤ LINH ĐAN

Địa Chỉ: 158 Đường TL 41, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện Thoại: 028 22467474 - 028 22457474

Web: www.cungcaphoachat.com

Email: linhdanchemicals@gmail.com